Ngay sau khi Đề án đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới vào năm 2030 được Chính phủ thông qua. Hiệp hội Lương thực VN (VFA), đã có đề xuất gửi Bộ Tài chính xin giảm thuế GTGT đối với gạo tiêu thụ trong nước xuống còn 0,5% với kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng thương hiệu gạo ngay tại nội địa.
Các mặt hàng gạo xuất khẩu đều được áp dụng mức thuế suất
thuế giá trị gia tăng là 0% theo quy định hiện hành
Theo quy định hiện hành, các mặt hàng gạo xuất khẩu đều được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 0%. Trong khi đó, gạo sản xuất ra để tiêu thụ nội địa vẫn phải chịu thuế suất thuế GTGT 5%. VFA đề xuất Bộ Tài chính điều chỉnh mức thuế này còn 0,5%, một mức khá tượng trưng nhằm đảm bảo công bằng và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng gạo trong nước, giành lại thị trường trước khi gạo từ các nước lấn “sân”.
Theo con số thống kê của Bộ NN- PTNT, lượng gạo tiêu thụ nội địa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% chỉ chiếm thấp hơn 15% tổng sản lượng gạo sản xuất trong nước. Cụ thể, trong giai đoạn 2010 - 2015, bình quân mỗi năm cả nước sản xuất được khoảng 22 - 22,5 triệu tấn gạo, trong đó gạo dành cho xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn, gạo tự tiêu dùng (để ăn, làm giống và chăn nuôi) khoảng 11,5 triệu tấn, lượng tiêu thụ qua phân phối lưu thông chỉ khoảng 3,5 triệu tấn.
Trong cơ cấu đó, ước tính có tổng cộng khoảng 18,5 triệu tấn gạo sản xuất ra đang được tiêu thụ mà không phải chịu thuế GTGT, gồm 7 triệu tấn gạo xuất khẩu và 11,5 triệu tấn tự tiêu dùng. Như vậy, chỉ còn lại khoảng 3,5 triệu tấn gạo còn lại đưa vào kênh phân phối cho người tiêu dùng cuối cùng trong nước là thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 5%.
Tuy nhiên theo VFA, trên thực tế số thuế GTGT thực thu thấp hơn đáng kể so với tỷ trọng 15% nói trên, do tập quán kinh doanh tiêu dùng mặt hàng này của người dân chủ yếu là thông qua hệ thống bán lẻ của tư thương và các chợ truyền thống, vốn chỉ nộp khoản thuế khoán với tỷ lệ thấp hơn nhiều.
Ông Huỳnh Văn Thòn - TGĐ Công ty cổ phần BVTV An Giang (AGPPS) cho biết, dù muốn tổ chức mạng lưới bán lẻ gạo với chất lượng đảm bảo, có thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý, nhưng lại sợ không cạnh tranh được với mạng lưới những thương lái buôn tự do. Lý do, theo ông Thòn, doanh nghiệp phải nộp thuế suất thuế GTGT 5% trong khi những người buôn bán nhỏ thì không. “Với thuế suất thuế GTGT 5%, giá gạo tăng thêm 500 - 1.000 đồng/kg khiến chúng tôi không thể bán gạo ra thị trường được. Mà không xây dựng được thương hiệu gạo để cạnh tranh với hệ thống bán lẻ của nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà” - ông Thòn cho biết.
Như vậy, theo phân tích của ông Thòn, hiện nay thuế VAT 5% trên chỉ áp dụng thu đối với gạo được đóng gói, có thương hiệu. Do đó, nhà nước chỉ thu được khoảng 105 tỷ đồng/năm tiền thuế GTGT khi doanh nghiệp bán gạo có thương hiệu cho người tiêu dùng, thay vì hơn 2.100 tỷ đồng/năm nếu thu thuế tất cả lượng gạo tiêu thụ. Và trong thực tế, bối cảnh người tiêu dùng vẫn có thói quen chọn mua gạo xá, gạo qua các kênh của tư nhân, chợ truyền thống thì khoản thuế suất 5%, tương đương 400 đồng/kg gạo khiến cho sản phẩm của doanh nghiệp khó cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Ở một góc độ khác, theo tính toán của nhiều chuyên gia, việc giảm thuế xuống còn 0,5% đồng nghĩa với việc Chính phủ đầu tư mỗi năm khoảng gần 100 tỷ đồng cho việc xây dựng thương hiệu gạo nội địa cho các doanh nghiệp trong nước. Bởi lẽ, theo khẳng định của AGPPS với chúng tôi: “Nếu giải quyết được vấn đề thuế GTGT, từ nay đến năm 2018 AGPPS có thể tổ chức được hệ thống bán lẻ tiêu thụ khoảng 300.000 tấn gạo/năm và nâng lên 500.000 - 1.000.000 tấn gạo/năm vào năm 2020”.
Hiện chưa biết đề xuất của VFA có được chấp thuận hay không, nhưng nó đang được giới chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng, sẽ góp phần xây dựng thương hiệu gạo ngay tại nội địa. Đồng thời, cũng thể hiện sự quyết tâm thay đổi của VFA cũng như cả hai Tổng Công ty Lương thực Vinafood 1 và Vinafood 2- hai đơn vị mà lâu nay vẫn cố thủ trong “bọc kén bao cấp”.
Mai Thanh (Diễn đàn doanh nghiệp)