Tính tới hết tháng 6, xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,055 triệu tấn và 1,318 tỷ USD, giảm 6,2% về khối lượng và giảm 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
5 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu giảm 3,78% so với cùng kỳ năm 2014. Ảnh: Internet.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT: Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 435,18 USD/tấn, giảm 3,78% so với cùng kỳ năm 2014.
Xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường chính tiếp tục gặp khó khăn, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng không khá hơn do phía “bạn” cấm biên.
Năm tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 19,61% về khối lượng và giảm 22,61% về giá trị). Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất với 36% thị phần.
Đáng chú ý nhất là thị trường Malaysia có sự tăng trưởng đột biến trong 5 tháng đầu năm, tăng gấp 2,84 lần về lượng và gấp 2,33 lần về giá trị, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 7,7% thị phần.
Tại thị trường trong nước, nếu chỉ tính riêng trong tháng 6, thị trường lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL rất ít giao dịch, và có chiều hướng giảm. Việc Việt Nam trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo cho Philippines trong cuộc đấu thầu ngày 16-6 không đủ tác động đến diễn biến giá do khối lượng quá nhỏ.
Giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL giữ ở mức ổn định hoặc giảm nhẹ. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR 50404 giảm từ 4.250 đồng/kg xuống còn 4.150 đồng/kg; lúa OM 2514, OM 1490, OM 2717 giảm từ 4.500 đồng/kg xuống còn 4.400 đồng/kg; lúa jasmine ổn định ở mức 5.700 - 5.800 đồng/kg.
Tại Bạc Liêu, lúa chất lượng cao ổn định ở mức 5.200 - 5.300 đồng/kg đối với lúa khô. Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường ở mức 5.300 đồng/kg, lúa dài ở mức 5.600 đồng/kg.
Nhìn tổng thể “bức tranh” chung nửa đầu năm, giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL cũng không khả quan hơn khi diễn biến giảm. Tính từ đầu năm đến nay, giá lúa tại An Giang đã giảm 400 - 500 đồng/kg, tại Bạc Liêu đã giảm 600 - 700 đồng/kg, tại Kiên Giang giảm 300 - 400 đồng/kg.
Thiếu vắng các hợp đồng xuất khẩu mới và nhu cầu nhập khẩu với khối lượng thấp của các khách hàng là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp xuất khẩu chỉ thu mua cầm chừng bởi lượng hàng tồn trong kho vẫn còn.
Trong thời gian diễn ra thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo chủ trương của Chính phủ (từ 1-3 đến 15-4), giá lúa trên thị trường nội địa có tăng nhẹ, song xu hướng này không giữ được lâu do nguồn cung từ thu hoạch vụ Đông Xuân dồi dào.
Thanh Nguyễn (Báo Hải Quan)