Chiều 15.10, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tạ Quang
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và lãnh đạo 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận sự nỗ lực của Bộ NNPTNT cùng 12 địa phương vùng ĐBSCL triển khai Đề án và đạt được một số kết quả bước đầu.
Thủ tướng nêu rõ, đây là Đề án hết sức ý nghĩa với người nông dân vùng ĐBSCL, với ngành hàng lúa gạo và với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Tạ Quang
Thủ tướng cũng cho rằng, trong thời đại ngày nay, với xu thế "ăn ngon, ăn sạch", cạnh tranh lại rất lớn, chúng ta phải "thổi hồn", thổi sức sống mới vào ngành nông nghiệp, ngành lúa gạo tại ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, lúa gạo là ngành hàng có lợi thế của nước ta; sản xuất lúa gạo không chỉ có vai trò thiết yếu đối với bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, mà còn là nguồn thu nhập quan trọng của hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thu hoạch lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, đề án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung vào 200.000ha có điều kiện về hạ tầng sản xuất và năng lực của các hợp tác xã trong sản xuất và liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp nhằm đạt tiêu chí lúa chất lượng cao, phát thải thấp; giai đoạn 2 (2026-2030) tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao năng lực của cả hệ thống để mở rộng thêm 800.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Bộ đã cùng 12 tỉnh rà soát vùng thực hiện Đề án, đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh và vùng ĐBSCL; rà soát toàn bộ hiện trạng hạ tầng sản xuất vùng dự án, nhất là hạ tầng thủy lợi nhằm đáp ứng yêu cầu tưới tiêu chủ động, hạ tầng hỗ trợ vận chuyển, cơ giới hóa đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tạ Quang
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ đã cùng các địa phương và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm trên địa bàn 5 tỉnh, thành gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Hiện 4/7 mô hình thí điểm vụ hè thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực, cụ thể: giảm chi phí 20-30%; tăng năng suất 10%; tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25%, giảm trung bình 5-6 tấn CO2 tương đương trên 1 ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg thóc. Kết quả đạt được đã tạo khích lệ lớn cho các hộ nông dân và HTX tin tưởng và tiếp tục tích cực tham gia Đề án.
Trên cơ sở triển khai các mô hình thí điểm, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các địa phương và chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Viện Lúa gạo Quốc tế xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải phù hợp với các quy chuẩn quốc tế, để có cơ sở khoa học, áp dụng đo đạc cho toàn diện tích tham gia Đề án.
Với kết quả bước đầu khả quan của các mô hình thí điểm, với sự phấn khởi và đồng tình ủng hộ của nhiều hộ nông dân, HTX trồng lúa trong khu vực, Bộ đã thống nhất chủ trương với các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình canh tác bền vững, giảm phát thải trên toàn bộ 12 tỉnh và áp dụng ngay trong vụ thu đông 2024 và đông xuân 2024-2025.
Nguồn tin: Tạ Quang - LAODONG.VN