Ngày 26/4, tại Cần Thơ, sẽ diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Vấn đề giá lúa gạo giảm thời gian qua cũng được đưa ra thảo luận.
Lần đầu tiên Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore, chiếm 32,03% thị phần, kim ngạch cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%). Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore trong quý I/2024 đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023. Đó là những tin tích cực cho xuất khẩu lúa, gạo của Việt Nam.
Giá lúa gạo Việt Nam "hạ nhiệt" trong giai đoạn vừa qua là hợp lý. Ảnh internet.
Tại thị trường trong nước, mặc dù có sự điều chỉnh giảm trong những tháng đầu năm nhưng giá lúa gạo vẫn đang cao hơn 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), việc giá lúa gạo Việt Nam hạ nhiệt trong giai đoạn vừa qua là hợp lý. Nguyên nhân do các nước sản xuất đều bước vào vụ thu hoạch chính, nhu cầu nhập khẩu không còn quá cao như thời gian trước. Đặc biệt, nước ta cũng đang trong đợt thu hoạch vụ Đông Xuân, lượng lúa gạo bổ sung ra thị trường dồi dào, việc này kéo giá trong nước và xuất khẩu giảm.
Theo nhiều dự báo, giá gạo thế giới có thể tiếp tục tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt vì thời tiết diễn biến bất lợi ở không ít nước sản xuất lúa gạo hàng đầu, trong khi nhu cầu nhập khẩu từ các đối tác chính như: Philippines, Indonesia, châu Phi... vẫn duy trì ở mức cao trong năm nay.
Đáng lưu ý, Ấn Độ - quốc gia vốn chiếm đến 40% thương mại về gạo toàn cầu - vẫn đang hạn chế xuất khẩu gạo. Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai cũng sẽ cắt giảm lượng gạo xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Nếu Việt Nam vẫn đảm bảo giữ vững được sản lượng lương thực thì sẽ ngày càng có nhiều hơn cơ hội chiếm lĩnh thị trường.
Giá lúa gạo Việt Nam "hạ nhiệt" trong giai đoạn vừa qua là hợp lý. Ảnh internet.
Theo báo cáo “Triển vọng hàng hóa toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới, giá gạo toàn cầu khó có thể giảm trước năm 2025. Còn theo dự đoán của BMI - một đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions - mối lo ngại về nguồn cung có thể giảm bớt vào năm 2025. Khi hiện tượng thời tiết El Nino làm tăng nhiệt độ và giảm lượng mưa - chuyển sang La Nina, với lượng mưa cao hơn bình thường.
Thực tế thì xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, cuộc cạnh tranh thị phần giữa các nước xuất khẩu dự kiến sẽ gia tăng và tiếp tục gây áp lực lên giá gạo trên thị trường quốc tế. Trong khi Thái Lan và Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các hợp đồng mới, thì Pakistan dự báo sẽ có vụ mùa bội thu trong năm nay.
Mặc khác, tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (diễn biến tại Biển Đỏ ảnh hưởng tới các tuyến vận tải biển, căng thẳng Iran – Israel)… dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Hiện, Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới về xuất khẩu gạo. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore…; trong đó, Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Nguồn tin: H. Dương (t/h) - Tạp chí điện tử Thương Hiệu & Công Luận