Năm 2023, ngành Nông nghiệp Việt Nam tiếp nối đà tăng trưởng ấn tượng, khẳng định vai trò trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế; trong đó, xuất khẩu gạo là một trong những vị trí chủ đạo, đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn Ngành và để lại dấu ấn mạnh với sản phẩm chất lượng của nền văn minh lúa nước ngàn năm trên thị trường quốc tế. Những điểm nhấn của xuất khẩu gạo năm 2023 cùng nhiều dự báo từ tình hình thị trường thế giới đem lại kỳ vọng mới cho xuất khẩu “hạt ngọc Việt” trong năm 2024.
Khẳng định thương hiệu và uy tín trên thị trường quốc tế
Nhờ sự chỉ đạo điều hành sát sao của Chính phủ trước những biến động của thị trường gạo thế giới, nguồn cung được đảm bảo, xuất khẩu gạo đã có một năm vụt sáng, trở thành tiêu điểm trong bức tranh tổng thể của xuất khẩu nông sản và thương mại xuyên quốc gia của Việt Nam trong năm 2023. Cuối tháng 7/2023, thị trường gạo thế giới biến động khi Ấn Độ - quốc gia chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới tuyên bố cấm xuất khẩu mặt hàng này để ổn định giá bán lẻ thị trường trong nước. Cùng với đó, dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng El Nino gây diễn biến thời tiết tiêu cực, khiến sản lượng gạo tại một số quốc gia bị sụt giảm đã tạo cú sốc đối với nguồn cung thị trường gạo thế giới, ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào gạo.
Mặc dù thị trường thế giới bị tác động, trong nước, nhờ Chính phủ luôn sát sao, linh hoạt, kịp thời trong chỉ đạo điều hành đã góp phần đem lại thành công cho gia tăng giá trị xuất khẩu gạo của cả năm. Điển hình phải kể đến Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững đã trở thành định hướng quan trọng để ngành chức năng và các địa phương tập trung sản xuất và điều tiết. Với phương án gối vụ sản xuất luân phiên, sản lượng thu hoạch lớn, có được nguồn gạo dồi dào, doanh nghiệp chủ động dự trữ gạo nguyên liệu, sẵn sàng xuất khẩu ra thế giới, nhờ đó, Việt Nam đã nắm bắt được thời cơ xuất khẩu ở những tháng cuối năm khi giá gạo trên đà tăng cao.
Kỳ vọng xuất khẩu gạo tiếp tục bứt phá trong năm 2024
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023, diện tích lúa của Việt Nam ước đạt 7,12 triệu ha, tăng 10,1 nghìn ha so với năm 2022; năng suất lúa ước đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn; chiếm gần 91% trong tổng sản lượng lương thực có hạt (47,9 triệu tấn) năm 2023.
Cùng với tăng diện tích, năng suất, sản lượng, giá gạo cũng tăng đột biến trong những tháng cuối năm 2023 do nguồn cung giảm, nhu cầu gạo thế giới tăng cao. Chỉ tính riêng trong tháng Mười một năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 667 USD/tấn, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất lịch sử kể từ sau 30 năm“hạt ngọc Việt” vươn ra thế giới và cao hơn cả mức giá 665 USD/tấn đối với gạo trắng 5% tấm được chào bán trên thị trường vào thời điểm đó.
Bên cạnh sản lượng, chất lượng gạo không ngừng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu của hầu hết thị trường cao cấp với hơn 90% gạo Việt xuất khẩu hiện nay là hàng chất lượng cao. Cũng trong năm 2023, gạo ST25 của Sóc Trăng tiếp tục đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới”. Giá trị gạo Việt Nam trên thị trường thế giới thêm lần nữa được khẳng định khi các đối tác nhập khẩu và người tiêu dùng đều ưa chuộng, tin dùng. Có thể nói, hạt gạo Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu mạnh, có mặt ở trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ tới châu Phi, với khoảng 15% thị phần thế giới.
Nhờ nguồn cung đảm bảo, sản phẩm chất lượng, thương hiệu có uy tín, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo tận dụng được cơ hội từ diễn biến của thị trường thế giới với mức giá cao, đem lại nguồn lợi cho doanh nghiệp và nâng cao thu nhập cho người nông dân, đóng góp vào sự thắng lợi của xuất khẩu gạo nói riêng và xuất khẩu nông sản nói chung. Trong năm 2023, tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,8 tỷ USD (tương đương 8,33 triệu tấn gạo), tăng 17,4% về lượng và 39,4% về trị giá so với năm 2022. Đây là con số đánh dấu cột mốc cao kỷ lục kể từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo. Đáng chú ý, những tháng cuối cùng của năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cao ấn tượng; tháng 12/2023 xuất khẩu đạt 700 nghìn tấn với trị giá 479 triệu USD; tăng 61,1% về lượng và tăng 117,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. ASEAN là thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam, chiếm tới 61% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Nhờ kiểm soát tốt nguồn cung, Việt Nam tích cực thể hiện là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới trong những lúc khó khăn. Từ đó, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của Việt Nam với thị trường gạo thế giới nói chung và khẳng định được uy tín trong vai trò nhà cung cấp của thế giới nói riêng.
Triển vọng từ những tín hiệu lạc quan
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2024 được dự đoán có nhiều triển vọng trong bối cảnh nguồn cung thế giới tiếp tục bị hạn chế và tổng cầu lại có xu hướng tăng. Giới chuyên gia dự đoán, trong năm 2024, các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do những bất ổn về chính sách và giá nội địa tăng cao, cản trở việc bình thường hóa hoạt động xuất khẩu gạo từ nước này. Cụ thể, Chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch dành hàng chục tỷ USD cho các chương trình trợ cấp về lương thực và phân bón trong năm tài chính 2024/2025, khiến cơ hội nới lỏng các lệnh xuất khẩu gạo trong tương lai gần của nước này ngày càng thu hẹp lại. Bên cạnh đó, El Nino và tác động tiềm tàng của hiện tượng thời tiết cực đoan này với các khu vực trồng lúa chính chưa thể ước lượng có thể ảnh hưởng đến sản lượng chung của thế giới. Trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt, nhu cầu lại gia tăng do một số quốc gia tăng cường dự trữ gạo, dự kiến, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 5 triệu tấn gạo trong năm 2024.
Theo nhận định của Cơ quan nghiên cứu kinh tế thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Philippines - thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhiều khả năng sẽ là nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2024 nhằm củng cố nguồn gạo dự trữ trong nước do lo ngại nguồn cung toàn cầu có thể suy giảm. Năm 2023, Philippines đã nhập khẩu 3,56 triệu tấn gạo, chủ yếu từ Việt Nam, Thái Lan và Pakistan. Với kim ngạch nhập khẩu tăng đáng kể, trong vai trò là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất, Việt Nam có nhiều lợi thế khi đã, đang khẳng định được thương hiệu của mình tại đất nước này. Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Philippines tại Hà Nội từ ngày 29-30/01/2024, Việt Nam và Philippines đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo. Văn kiện quan trọng này đưa ra những định hướng lớn và một số hoạt động phối hợp giữa hai quốc gia nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại gạo trong giai đoạn 05 năm tới.
Xếp sau Philippines về nhu cầu nhập khẩu là Trung Quốc, Indonesia, Liên minh châu Âu (EU), Nigeria và Iraq. Đáng nói là 2 quốc gia tiếp theo cũng là 2 thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 và thứ 3 của Việt Nam. Trong năm 2023, Indonesia vươn lên vị trí thứ hai về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, do Chính phủ tăng cường nhập khẩu nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia cho biết, trong quý I/2024, nước này cần nhập khẩu 500 nghìn tấn gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng dự trữ quốc gia với nguồn gốc gạo được chấp nhận là Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc.
Còn tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu bổ sung nguồn gạo dự trữ là vấn đề luôn được cân nhắc. Ngoài mặt hàng gạo tẻ, nhiều khả năng năm 2024, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu mặt hàng gạo nếp từ Việt Nam, bởi đây là mặt hàng mà Trung Quốc có nhu cầu lớn, có thời điểm nhập khẩu đến 1 triệu tấn gạo nếp Việt Nam. Ngoài ra, các nước khác cũng sẽ tăng cường nhập khẩu gạo trong năm 2024, như: Afganistan, Cuba, Iran, Nepal, Saudi Arabia, Vương quốc Anh, Mỹ và Yemen... sẽ đem lại cơ hội tiềm năng và cánh cửa rộng mởcho gạo Việt.
Mặc dù là nước bị ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu, nhưng Việt Nam vẫn đang nỗ lực tăng cường sản xuất để đảm bảo nguồn cung, tận dụng cơ hội. Tại những vùng cao sản, nhờ các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, người dân vẫn có thể sản xuất được từ 3-4 vụ/năm. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/01/2024, cả nước gieo cấy được 1.821,4 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 96,9% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 63,4 nghìn ha, bằng 66,6% do lịch thời vụ năm 2024 muộn hơn so với năm 2023; các địa phương phía Nam đạt 1.757,9 nghìn ha, bằng 98,5%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.427,7 nghìn ha, bằng 99,5%. Dù diện tích lúa có xu hướng giảm nhưng kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên. Ngay từ đầu năm 2024, nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước đã có thể bắt đầu thu hoạch vụ mùa mới, giảm bớt một số lo ngại về nguồn cung và tận dụng thời điểm giá gạo đang cao, nhất là khi vụ thu hoạch này thường mang lại sản lượng vụ mùa lớn nhất trong năm.
Những nỗ lực của người nông dân và doanh nghiệp còn được hỗ trợ đắc lực từ Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 mà Chính phủ đã ban hành. Việt Nam cũng là nước đầu tiên trên thế giới xây dựng và phát triển kế hoạch sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Từ đầu năm, Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các địa phương và bộ, ngành liên quan theo dõi, chủ động phương án ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết rét đậm, rét hại có thể gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp, trong đó có gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa.
Sự thiếu hụt nguồn cung có thể sẽ tiếp tục đẩy giá gạo xuất khẩu tăng cao trong năm 2024. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang tận dụng cơ hội này để đẩy nhanh việc ký kết các đơn hàng của năm 2024; thậm chí, đã có doanh nghiệp ký được đơn hàng cho tháng Một và tháng Hai với mức giá lên tới 785 USD/tấn và có đơn lên tới 860 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, ngoài việc theo xu thế tăng chung còn là do chất lượng gạo Việt đã được khẳng định nhờ thường xuyên nghiên cứu, cho ra đời giống lúa mới ngắn ngày, chất lượng cao.
Thêm vào đó, cuối năm 2023, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được thành lập với kỳ vọng sẽ tạo thành hệ sinh thái mới để liên kết tất cả các mắt xích trong chuỗi sản xuất, cung ứng và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam. Qua đó giúp người nông dân trồng lúa và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có cơ hội hợp tác, hỗ trợ cùng phát triển bền vững, cùng định hình một chiến lược lâu dài cho ngành gạo trong tương lai.
Tuy nhiên, Việt Nam vừa trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc trong tháng 1/2024 và cảnh báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, thời kỳ cao điểm vào khoảng tháng Hai đến tháng 4/2024. Những yếu tố thời tiết bất lợi này có khả năng ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo vụ đông xuân năm 2024, vì vậy, người dân và doanh nghiệp cần có các bước chuẩn bị trước trong trường hợp sản lượng thu hoạch không được dư dự kiến do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi.
Mặt khác, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến ngày 22/1/2024, cả nước có 161 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam; trong đó, thành phố HCM là địa phương có nhiều thương nhân xuất khẩu gạo nhất, với 36 thương nhân; tiếp đến là Cần Thơ 34 thương nhân, Long An 22 thương nhân, Đồng Tháp 15 thương nhân, An Giang 14 thương nhân... Có thể thấy, số thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã giảm đi đáng kể so với thời điểm giữa tháng 8/2023, khi cả nước có tổng cộng 210 thương nhân và thời điểm tháng 10/2023 còn 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong khi đó, nhiều quốc gia cung cấp gạo trên khắp châu Á và châu Phi cũng đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung và tận dụng thời cơ xuất khẩu, tạo môi trường cạnh tranh với gạo Việt.
Chính vì vậy, để bảo vệ thành quả của năm 2023, tận dụng cơ hội và tiếp tục xuất khẩu thành công trong năm 2024, bên cạnh những giải pháp căn cơ, cần kịp thời giải quyết những vướng mắc trước mắt và lâu dài, hướng đến phát triển bền vững. Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, đa dạng sản xuất các giống gạo, loại gạo khác nhau để cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu. Cần đẩy mạnh sắp xếp lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, liên kết chặt doanh nghiệp và nông dân để đôi bên cùng có lợi. Đẩy mạnh triển khai “Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp” gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 mà Chính phủ đã ban hành. Tích cực thành lập hoặc củng cố các hợp tác xã, khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng trước để triển khai sản xuất với nông dân; sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp để có đầu ra ổn định./.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 500 nghìn tấn với trị giá 347 triệu USD, tăng 39,4% về khối lượng xuất khẩu và tăng đến 86,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân mỗi tấn gạo thu về gần 700 USD, cao hơn rất nhiều so với mức giá bình quân 577,5 USD/tấn của năm 2023 và mức giá bình quân 507,5 USD/tấn của tháng 1/2023.
Nguồn tin: Minh Hà - Tạp chí Con số & Sự kiện